Page 185 - HSCC2024_Book_RV5 020424
P. 185
TS.DS. PHẠM HỒNG THẮM
TÌNH HÌNH SỬ DỤNG KHÁNG SINH TRONG TRONG ĐIỀU TRỊ
NHIỄM KHUẨN HUYẾT TẠI KHOA HỒI SỨC TÍCH CỰC - CHỐNG ĐỘC
BỆNH VIỆN NHÂN DÂN GIA ĐỊNH
Sử dụng liệu pháp kháng sinh sớm theo kinh nghiệm thích hợp trong điều trị nhiễm khuẩn huyết có tác động tích cực
đến kết quả điều trị. Ngược lại, sự đề kháng kháng sinh làm gia tăng thất bại điều trị
Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm bệnh, vi sinh gây bệnh, đặc điểm sử dụng kháng sinh, đánh giá tính hợp lý về sử dụng
kháng sinh theo kinh nghiệm và sau khi có kết quả kháng sinh đồ, khảo sát các yếu tố liên quan đến kết quả điều trị ở
bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang, hồi cứu từ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân
có chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết và điều trị bằng kháng sinh tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Bệnh viện Nhân
dân Gia Định từ 03/2021 đến 03/2023. Tính hợp lý về sử dụng kháng sinh được đánh giá dựa trên hướng dẫn của Bộ
Y tế 2015 và Sanford Guide 2021
Kết quả: Nghiên cứu thực hiện trên 112 bệnh nhân có tuổi trung bình 67 ± 15,9 (tuổi), nữ giới chiếm 58,1%. Acinetobacter
baumanii là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất chiếm 33,3%. β-lactam (97,8%) và fluoroquinolon (73,1%) là hai nhóm
kháng sinh sử dụng phổ biến nhất. Tỷ lệ hợp lý chung sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm chiếm 37,6% và sau khi có
kháng sinh đồ chiếm 57,6%. Nhóm tuổi (OR: 0,180; 95%CI:0,038-0,846, p=0,03) là yếu tố liên quan có ý nghĩa thống
kê đến kết quả điều trị
Kết luận: Cần xây dựng hướng dẫn điều trị nhiễm khuẩn huyết phù hợp với tình hình vi sinh tại cơ sở điều trị. Tiếp tục
giám sát sử dụng kháng sinh nhằm nâng cao tính an toàn, hợp lý trong sử dụng kháng sinh
Từ khóa: Nhiễm khuẩn huyết, đề kháng kháng sinh
DS. NGUYỄN QUAN NHƯ HẢO
KHẢO SÁT TÌNH HÌNH SỬ DỤNG KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHIỄM
KHUẨN HUYẾT TRÊN BỆNH NHÂN NHẬP VIỆN TỪ KHOA CẤP CỨU
BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Đặt vấn đề: Nhiễm khuẩn huyết là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính nặng gây rối loạn chức năng của nhiều cơ quan.
Việc sử dụng kháng sinh ban đầu hợp lý tại Khoa Cấp cứu và các khoa lâm sàng rất quan trọng trong hạn chế đề kháng
kháng sinh và tăng hiệu quả điều trị
Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm tác nhân gây bệnh, tình hình sử dụng kháng sinh và đánh giá tính hợp lý của kháng sinh
kinh nghiệm trong điều trị nhiễm khuẩn huyết tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả được tiến hành trên bệnh nhân được chẩn đoán
nhiễm khuẩn huyết tại khoa Cấp cứu và tiếp tục điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng từ 01/09/2022 đến 31/12/2022,
Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Dữ liệu thu thập từ hồ sơ bệnh án gồm đặc điểm bệnh nhân, đặc
điểm vi sinh, kháng sinh sử dụng. Tính hợp lý kháng sinh được đánh giá theo các hướng dẫn điều trị hiện hành về chỉ
định, liều dùng và đường dùng
Kết quả: 177 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu với tuổi trung bình là 65,9±14,9 tuổi, nữ chiếm 52,5%. Tỷ lệ cấy máu
dương tính là 41,3%, vi khuẩn gram âm là tác nhân được phân lập nhiều nhất (76,5%), chủng vi khuẩn phổ biến gồm E.
coli (33,9%), K. pneumoniae (25,4%) và S. aureus (11,9%). 94,4% bắt đầu điều trị kháng sinh tại khoa Cấp cứu và phác
đồ đơn trị phổ biến nhất (58,7%), phối hợp kháng sinh thường gặp nhất tại khoa lâm sàng (71,3%). Tỷ lệ hợp lý chung
của kháng sinh kinh nghiệm tại khoa Cấp cứu và khoa lâm sàng lần lượt là 60,0% và 68,5%. Việc sử dụng kháng sinh kinh
nghiệm hợp lý tại khoa lâm sàng liên quan đến tăng tỷ lệ điều trị thành công (OR=5,063; 95%CI: 1,026–24,992; p=0,046)
Kết luận: Cần liên tục cập nhật và tuân thủ hướng dẫn sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn huyết trong thực hành
lâm sàng
Từ khóa: Nhiễm khuẩn huyết, khoa Cấp cứu, đề kháng kháng sinh, vi khuẩn
SEPSIS 185