Page 183 - HSCC2024_Book_RV5 020424
P. 183
ThS.BSCKI. PHẠM THỊ THẢO UYÊN
ĐIỂM NEWS2 DỰ ĐOÁN BIẾN CỐ LÂM SÀNG SỚM TRONG 24 GIỜ ĐẦU
Ở BỆNH NHÂN CHUYỂN KHỎI KHOA HỒI SỨC TÍCH CỰC
Đặt vấn đề: Việc chuyển bệnh nhân ra khỏi khoa Hồi sức tích cực khi bệnh nhân ổn định lâm sàng là cần thiết nhưng
cũng nhiều thách thức. Chuyển bệnh nhân quá sớm có thể làm gia tăng tỷ lệ tái nhập khoa cũng như tỷ lệ tử vong.
Thang điểm cảnh báo sớm cấp quốc gia “National Early Warning Score” (NEWS/ NEWS2) là một công cụ hữu ích để
dự đoán biến cố sớm ở những bệnh nhân nặng. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng đề cập vai trò của nó trong dự đoán
biến cố lâm sàng sớm ở những bệnh nhân chuyển khỏi khoa Hồi sức tích cực
Mục tiêu: Khảo sát một số yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới việc xảy ra biến cố lâm sàng sớm 24 giờ đầu sau khi chuyển
bệnh nhân khỏi khoa Hồi sức tích cực
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu, lấy mẫu thuận tiện bệnh nhân trên 18 tuổi điều
trị tại khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Nhân dân Gia Định trên 24 giờ sau đó chuyển lên các khoa chuyên khoa tiếp
tục điều trị từ tháng 11/2021 tới tháng 10/2022
Kết quả: Có 159 bệnh nhân, nam chiếm đa số với tỷ lệ 55,3%, độ tuổi trung vị là 66 tuổi (57- 74). Đa số các bệnh nhân
nhập khoa ICU vì lý do suy hô hấp cấp 53,5%. Tỷ lệ xảy ra biến cố lâm sàng sớm là 9,43%. Có 2 yếu tố nguy cơ độc lập
dự đoán biến cố lâm sàng sớm 24 giờ đầu là giới tính nữ (OR 4,63 KTC 95% OR 1,05- 20,48, p= 0,044) và nguy cơ trên
mỗi điểm NEWS2 lúc chuyển khoa (OR 1,91 KTC 95% OR 1,30- 2,82, p= 0,001). Diện tích dưới đường cong của điểm
NEWS2 AUC= 0,88 ± 0,04 với p <0,001, KTC 95% (0,80- 0,952). Điểm NEWS2 ≥ 7 điểm là điểm cắt tốt nhất để dự báo
biến cố sớm 24 giờ đầu sau khi chuyển khỏi khoa với độ nhạy 86,7% và độ đặc hiệu 79,8%
Kết luận: Ở những bệnh nhân chuyển khỏi khoa Hồi sức, điểm NEWS2 tại thời điểm chuyển ≥ 7 điểm là điểm cắt tốt
nhất để dự đoán biến cố lâm sàng sớm 24 giờ đầu sau khi chuyển khỏi khoa
Từ khoá: Chuyển khỏi khoa Hồi sức, biến cố lâm sàng sớm, điểm NEWS2
BS. PHẠM CÔNG TÌNH
CA LÂM SÀNG BAN XUẤT HUYẾT GIẢM TIỂU CẦU HUYẾT KHỐI
KHÁNG TRỊ Ở BỆNH NHÂN SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE
ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN QUÂN Y 175
Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (Thrombotic thrombocytopenic purpura – TTP) là tình trạng lâm sàng đặc
trưng bởi thiếu máu huyết tán và ban xuất huyết giảm tiểu cầu. Cơ chế bệnh sinh liên quan tới sự thiếu hụt enzyme
ADAMTS13 gây nên huyết khối vi mạch và giảm số lượng tiểu cầu. Điều trị bao gồm thay huyết tương (TPE) kết hợp
corticoid liều cao. Các trường hợp TTP kháng trị cần nâng bậc bằng thuốc ức chế miễn dịch. TTP có thể nguyên phát
hoặc thứ phát sau nhiễm trùng nhưng tương đối hiếm gặp trong sốt xuất huyết Dengue, hai bệnh có triệu chứng
tương đối giống nhau xong điều trị lại hoàn toàn khác nhau
Ca lâm sàng chúng tôi báo cáo là bệnh nhân nam, 21 tuổi, với chẩn đoán ban đầu là sốt xuất huyết Dengue thể não,
đã được điều trị cơ bản ở tuyến trước và truyền tiểu cầu, chuyển Bệnh viện Quân Y 175 ngày thứ 5 của bệnh do tình
trạng diễn biến nặng hơn với biểu hiện rối loạn tri giác, xuất huyết nhiều vị trí, số lượng tiểu cầu giảm thấp (15 G/L) và
tổn thương đa cơ quan tiến triển. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị hồi sức tích cực, bù tiểu cầu nhưng tình trạng bệnh
diễn biến nặng hơn, chúng tôi đã chuyển hướng chẩn đoán là TTP, sốt xuất huyết dengue; điều trị ngừng truyền tiểu
cầu, TPE và corticoid liều cao. Tuy nhiên sau TPE 5 lần liên tục và corticoid đủ phác đồ tình trạng giảm tiểu cầu không
cải thiện nhiều (23 G/L), kèm theo xuất huyết phế nang, ARDS nặng do viêm phổi vi khuẩn đa kháng Acinetobacter
Baumannii và Klebsiella pneumoniae (KPC và OXA-48 (+)). Sau hội chẩn với chuyên gia, chúng tôi điều chỉnh chẩn
đoán là TTP kháng trị; quyết định sử dụng Rituximab, VV-ECMO, nâng bậc kháng sinh (Ceftazidime/Avibactam,
Colistin, Gentamycin). Sau 7 ngày tình trạng cải thiện rõ, tiểu cầu tăng lên 124 G/L, bệnh nhân được rút ECMO, cai
thở máy, ra khỏi ICU ngày thứ 20 tiếp tục tập phục hồi chức năng, ra viện ngày thứ 38 và không để lại di chứng
Từ khóa: Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối, sốt xuất huyết Dengue
SEPSIS 183