Page 165 - HSCC2024_Book_RV5 020424
P. 165

BS. TRẦN HUY NHẬT



            BÁO CÁO CA LÂM SÀNG KINH NGHIỆM
            VÀ BÀI HỌC TỪ 1 TRƯỜNG HỢP ĐIỆN GIẬT DIỄN TIẾN ARDS



          Giới thiệu: Điện giật là 1 tai nạn nghiêm trọng nguy hiểm tính mạng thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Điện
          giật gây tử vong chủ yếu do biến cố tim mạch và thần kinh. Tổn thương phổi tuy quan trọng về mặt lâm sàng nhưng
          thường bị bỏ sót trong tiếp cận ban đầu
          Trình bày ca lâm sàng: Bệnh nhân nữ, 65 tuổi, nhập viện vào giờ thứ 3 sau điện giật khi đang làm ruộng. Bệnh sử ghi
          nhận bệnh nhân vẫn tỉnh táo nhưng có ngã sấp mặt xuống nước ruộng, được người thân nhanh chóng di chuyển khỏi
          hiện trường. Đánh giá ban đầu nổi bật tình trạng sốt cao (To 39,5oC), suy hô hấp (SpO2/FiO2 = 175) và tổn thương
          phổi lan tỏa 2 phế trường. Bệnh nhân được nằm sấp, thở HFNC nhưng thất bại (ROX 2,2) kèm tình trạng giảm oxy
          máu nặng dần nên được đặt nội khí quản, an thần giãn cơ và thở máy theo chiến lược thông khí bảo vệ phổi kèm
          theo dõi độ giãn nở phổi. Bệnh nhân được dùng 3 loại kháng sinh gồm meropenem, vancomycin và metronidazole
          cùng dexamethasone vì tổn thương phổi nặng diễn tiến ARDS (PaO2/FiO2 = 77), sốt cao cùng nguy cơ hít sặc nước
          bùn. Tình trạng oxy hoá máu, độ giãn nở phổi kèm tổn thương phổi trên X-quang ngực cải thiện sau đó (PaO2/FiO2 =
          77 - 182 - 214 - 318, Cstat 22 - 37 - 45 mL/cmH2O). Bệnh nhân được cai máy và rút ống thành công vào ngày thứ 9

          Thảo luận: Ca lâm sàng nổi bật tình trạng ARDS sau điện giật, không ghi nhận biến cố tim mạch và thần kinh. Cũng
          không loại trừ khả năng ARDS do hít sặc nước bùn lúc tai nạn. ARDS được phát hiện sớm tại thời điểm nhập viện do
          tổn thương phổi lan tỏa và tỷ số SpO2/FiO2 < 300. Nhờ đó các biện pháp quản lý ARDS được thực hiện sớm như nằm
          sấp với HFNC, đánh giá chỉ số ROX và thông khí bảo vệ phổi kèm kháng sinh và corticosteroid theo khuyến cáo
          Từ khoá: điện giật, hít sặc, suy hô hấp, thông khí bảo vệ phổi, ARDS




          ThS. BÙI THỊ HẠNH DUYÊN



            VAI TRÒ CỦA CHỤP CẮT LỚP ĐIỆN KHÁNG TRỞ PHỔI
            TRONG HỘI CHỨNG NGUY KỊCH HÔ HẤP CẤP



          Chụp cắt lớp điện kháng (Electrical impedance tomography, EIT) là một công cụ theo dõi thay đổi động theo thời gian
          tình trạng thông khí tại giường của phổi. Đây là hình ảnh lâm sàng không xâm lấn và không có sử dụng tia xạ. Hình
          ảnh tái tạo của EIT dựa trên việc ước tính sự thay đổi độ điện kháng (resistivity changes) với tình trạng thông khí của
          phổi. EIT xác định sự được sự phân bố thông khí theo từng khu vực của phổi do có 16-32 điện cực được gắn theo chu
          vi ngực của bệnh nhân. EIT cũng theo dõi sự phân bố lưu lượng máu ở phổi sau khi tiêm tĩnh mạch dung dịch nước
          muối ưu trương. Tuy nhiên bài trình bày này chỉ tập trung vào vai trò đánh giá thông khí của EIT. Ở bệnh nhân bị hội
          chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), EIT có thể giúp nhận diện được vùng phổi bị xẹp hay căng phồng quá mức, cũng
          như đánh giá hiệu quả của việc tái huy động phế nang. Do đó EIT có thể hướng dẫn trong việc điều trị bệnh nhân
          ARDS như cài đặt thông số máy thở như thể tích khí lưu thông (Vt), chọn lựa mức áp lực dương cuối thì thở ra (PEEP)
          tối ưu và thông khí nằm sấp. Cần thêm các nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng EIT lên thời gian thở máy và tử vong
          ở bệnh nhân ARDS
          Từ khóa: Áp lực dương cuối thì thở ra, chụp cắt lớp điện kháng, hội chứng nguy kịch hô hấp cấp









          HÔ HẤP                                           165
   160   161   162   163   164   165   166   167   168   169   170