Page 135 - HSCC2024_Book_RV5 020424
P. 135
BSCKII. VĂN ĐỨC HẠNH
CẬP NHẬT CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH SÂU
CHI DƯỚI VÀ THUYÊN TẮC ĐỘNG MẠCH PHỔI CẤP
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và thuyên tắc động mạch phổi là những biểu hiện cấp tính có chung một quá
trình bệnh lý, gọi là thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Huyết khối tĩnh mạch sâu là sự hình thành cục máu đông
trong các tĩnh mạch sâu của hệ tuần hoàn, thường gặp nhất là tĩnh mạch chi dưới, gây tắc nghẽn hoàn toàn hoặc
một phần dòng máu trong lòng tĩnh mạch. Thuyên tắc động mạch phổi (gọi tắt là thuyên tắc phổi) là sự tắc nghẽn
cấp tính động mạch phổi và/ hoặc các nhánh của nó, do cục máu đông (hiếm hơn là khí, mỡ, tắc mạch ối) di
chuyển từ hệ thống tĩnh mạch sâu, hoặc hình thành tại chỗ trong động mạch phổi
Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới bao gồm đánh giá nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới trên
lâm sàng bằng sử dụng thang điểm Wells cải tiến, xác định yếu tố thúc đẩy, từ đó lựa chọn cận lâm sàng phù hợp:
D-dimer (để loại trừ huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới) hoặc siêu âm Duplex tĩnh mạch (để chẩn đoán xác định).
Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới trong giai đoạn cấp chủ yếu là sử dụng thuốc chống đông. Các biện pháp
điều trị khác như can thiệp hóa cơ học, hút huyết khối, tiêu sợi huyết tại chỗ hoặc lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới được
cân nhắc chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt
Chẩn đoán thuyên tắc động mạch phổi cấp dựa vào đánh giá xác suất mắc bệnh bằng thang điểm Geneva, đánh
giá tình trạng huyết động và các xét nghiệm trong đó chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi cản quang đóng vai trò
quan trọng. Điều trị thuyên tắc động mạch phổi cấp bao gồm hồi sức (hô hấp và huyết động) và điều trị tái tưới máu
dựa vào phân tầng mức độ nặng của thuyên tắc phổi (đánh giá nguy cơ tử vong sớm). Thuốc tiêu sợi huyết đường
toàn thân được khuyến cáo điều trị cho mọi bệnh nhân bị thuyên tắc phổi cấp nguy cơ cao nếu không có chống
chỉ định. Phẫu thuật lấy huyết khối được chỉ định cho bệnh nhân thuyên tắc phổi cấp nguy cơ cao nhưng chống chỉ
định điều trị tiêu sợi huyết, hoặc điều trị tiêu sợi huyết thất bại. Can thiệp hóa cơ học hoặc hút huyết khối bằng ống
thông được cân nhắc chỉ định cho bệnh nhân thuyên tắc phổi cấp kèm theo tụt huyết áp và (1) nguy cơ chảy máu
cao, hoặc (2) tiêu sợi huyết đường toàn thân thất bại, hoặc (3) đang trong tình trạng sốc có nguy cơ tử vong trước
khi tiêu sợi huyết đường toàn thân có hiệu lực, nếu có chuyên gia và nguồn lực phù hợp
BS. ĐĂNG MINH HẢI
CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ CẤP CỨU MỘT SỐ RỐI LOẠN NHỊP NGUY HIỂM
THƯỜNG GẶP Ở ĐƠN VỊ HỒI SỨC CẤP CỨU
Rối loạn nhịp nguy hiểm thường gặp tại khoa Hồi sức cấp cứu được chia làm hai loại là rối loạn nhịp nhanh và rối loạn
nhịp chậm khi ảnh hưởng tới huyết động của người bệnh. Chẩn đoán và điều trị yêu cầu phải nhanh và dứt khoát.
Cấp cứu ngừng tuần hoàn đối với trường hợp rối loạn nhịp tim không có mạch, rung thất hoặc nhịp nhanh thất mất
huyết động không nên trì hoãn sốc điện. Tất cả cơn nhịp nhanh thất QRS giãn rộng (QRS > 120ms) nên coi và xử lý
như là cơn nhanh thất mà không cần mất thời gian chẩn đoán phân biệt nếu điều đó làm kéo dài thời gian bắt đầu
điều trị cho người bệnh. Cơn nhịp nhanh QRS thanh mảnh (QRS < 120ms) nên được chẩn đoán chính xác loại rối loạn
nhịp nếu có thể, bời vì ngoài điều trị rối loạn nhịp một số rối loạn nhịp như rung nhĩ hay cuồng nhĩ chúng ta cần dùng
thuốc chống đông dự phòng tai biến mạch máu não cho bệnh nhân. Tạo nhịp vượt tần số chỉ định cho bệnh nhân rối
loạn nhịp nhanh dai dẳng không mất huyết động. Tạo nhịp tạm thời tại giường đặt ra ở bệnh nhân nhịp chậm có triệu
chứng, bệnh nhân QT kéo dài để làm giảm thời gian QT. Adenosin được dùng để cắt cơn nhịp nhanh. Thuốc chống
loạn nhịp: Lidocain và amidarone vẫn giữ vai trò quan trọng trong xử trí rối loạn nhịp nhanh cấp cứu trong điều kiện
hiện nay của chúng ta; trong khi, Atropin hữu ích ở bệnh nhân nhịp chậm. Điều trị nguyên nhân cần được quan tâm
để cắt cơn và phòng rối loạn nhịp tái phát
TIM MẠCH 135