Page 154 - HSCC2024_Book_RV5 020424
P. 154
BS. ĐỒNG NGỌC HIỀN
ĐẶC ĐIỂM NGƯỜI BỆNH NGƯNG TIM TRƯỚC VIỆN
TẠI TRUNG TÂM CẤP CỨU 115 TP. HỒ CHÍ MINH NĂM 2022
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm dân số xã hội của người bệnh, quá trình cấp cứu người bệnh và tỷ lệ hồi phục tuần hoàn tự
nhiên các trường hợp ngưng tim trước viện tại Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022
Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 110 trường hợp là người bệnh ngưng tim trước viện tại Trung tâm Cấp
cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022
Kết quả: Trong 110 trường hợp ngưng tim trước viện tại Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022,
chúng tôi ghi nhận trung vị độ tuổi người bệnh là 58 tuổi, nam giới chiếm tỷ lệ cao (70%), thường có tiền căn bệnh lý
như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành và các bệnh về hô hấp. Lý do gọi cấp cứu đa số là ngưng tim
37%, bất tỉnh 31% và các vấn đề về hô hấp 18,3%. Có 62,2% trường hợp lý do gọi cấp cứu là ngưng tim được tổng đài
viên hướng dẫn người phát hiện ép tim ngoài lồng ngực. Về tình huống phát hiện, 67% người bệnh ngừng tim trước
viện có triệu chứng trước đó tiến triển đến ngừng tim và có người chứng kiến, 10% là trường hợp ngừng tim sau tai
nạn/ sự cố và còn lại 23% là phát hiện ngẫu nhiên, không có người chứng kiến. Kíp cấp cứu tiếp cận người bệnh với
thời gian trung vị là 15 phút. Điện tâm đồ trong lúc hồi sinh tim phổi 78% vô tâm thu và 14% rung thất, 6% nhịp tự thất
và 2% nhanh thất. Thời gian hồi sinh tim phổi trung vị là 37,5 phút. Tỷ lệ hồi phục tuần hoàn tự nhiên là 21%. Không có
mối liên hệ giữa tỷ lệ hồi phục tuần hoàn tự nhiên với việc đặt nội khí quản, sốc điện và dùng thuốc chống loạn nhịp
trong quá trình cấp cứu người bệnh.
Kết luận: Ngưng tim trước viện là cấp cứu gặp ở người bệnh ở độ tuổi trung niên trở lên, nam nhiều hơn nữ và có các
bệnh nền là tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, bệnh lý về hô hấp. Đa số các trường hợp ngưng tim xảy
ra có người chứng kiến. Tỷ lệ hồi phục tuần hoàn tự nhiên khi được kíp cấp cứu hồi sinh tim phổi tại chỗ cao hơn so
với tự đưa người bệnh ngừng tim vào khoa Cấp cứu. Có mối liên hệ giữa việc tổng đài viên hướng dẫn người gọi cấp
cứu ép tim ngoài lồng ngực cho người bệnh và tỷ lệ hồi phục tuần hoàn tự nhiên của người bệnh ngưng tim trước viện
Kiến nghị: Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ tổng đài viên trong vấn đề hỗ trợ, hướng dẫn người gọi
nhận diện và xử trí các trường hợp ngưng tim trước viện. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe và huấn luyện
cộng đồng về nhận diện sớm và thực hiện sơ cứu người bệnh ngưng tim trước viện
CẤP CỨU 154